Lượt xem: 636

Sóc Trăng chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC)

Sau hơn 03 năm, án phạt “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đã tác động rất lớn đến hàng triệu ngư dân Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, nước ta từ vị trí xuất khẩu hải sản số 01 tuột xuống số 04 vào năm 2019. Ý thức rõ việc vi phạm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá Việt Nam và trực tiếp là thu nhập của ngư dân nên cùng với các địa phương ven biển trên cả nước; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Thủy sản Sóc Trăng đã và đang nỗ lực để chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng”; nhằm phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững và ổn định sinh kế cho hàng nghìn ngư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt.

    Trước khi bị Ủy ban Châu Âu (EC) áp thẻ, pháp luật Việt Nam cũng đã rất nghiêm đối với các trường hợp ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt từ năm 2017, khi bị Ủy ban Châu Âu (EC) áp thẻ, các chế tài được đẩy lên cao nhất. Cùng với đó là hệ thống pháp lý được hoàn thiện, cụ thể là Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, mức xử phạt tàu cá vi phạm lên đến 1 tỷ đồng, kèm theo tịch thu phương tiện. Sức nóng này không chỉ dừng lại ở sự quyết liệt từ Trung ương mà lan tỏa mạnh đến các địa phương. Tại Sóc Trăng, các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 cùng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017; đặc biệt là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng rất nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật ký khai thác,...


Tổ kiểm tra IUU phối hợp ban ngành chuyên môn kiểm tra các tàu cá đánh bắt thủy, hải sản trong và ngoài tỉnh ra, vào Cảng cá Trần Đề. Nguồn baosoctrang.org.vn

 

    Tại Cảng cá Trần Đề cũng đã thành lập được Văn phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là tổ IUU); đến  nay, đã kiểm tra trên 4.000 lượt đối với tàu trên 15 mét (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh.  Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề - Phạm Văn Hứa cho biết: “Ở đây, cán bộ của cảng đã triển khai trực tiếp với các chủ tàu về các quy định hiện hành để tháo gỡ “thẻ vàng” như thế nào, cũng như các quy định khi tàu vào cảng và rời cảng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Thủy sản và các quy định của EC. Qua triển khai thực hiện thì hiện nay đa phần các chủ tàu đều đăng ký trước 1 giờ trước khi vào cảng. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đối chiếu với danh sách tàu chống khai thác bất hợp pháp, nếu đủ điều kiện chúng tôi sẽ bố trí tàu để vào cảng neo đậu và lên xuống hàng hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bố trí cán bộ để theo dõi, giám sát việc hàng hóa tại cảng cá này của các chủ tàu. Sau khi lên hàng hóa xong, chúng tôi sẽ thu nhật ký khai thác và làm các thủ tục để xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp có nhu cầu”.

    Lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường thủy, địa phương đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển 12 cuộc, tiến hành kiểm tra 186 tàu cá trong và ngoài tỉnh; phát hiện 31 tàu cá thiếu trang thiết bị an toàn, lập biên bản sự việc 16 trường hợp không mang theo hồ sơ đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đã tuyên truyền mạnh mẽ đến ngư dân và chủ tàu về việc lắp thiết bị giám sát hành trình; tính đến nay đã có 313/366 tàu lắp đặt thiết bị. Theo đó, khi tàu đánh giáp biên sẽ được cảnh báo từ hệ thống giám sát của Tổ IUU, giúp ngư dân kiểm soát được tàu đang ở tọa độ nào để kiểm tra trên thiết bị; góp phần quản lý tốt việc đánh bắt xa bờ của ngư dân.

    Sản phẩm đánh bắt của ngư dân từng bước vươn xa ra thị trường quốc tế, việc thực hiện tốt các quy định về kê khai nguồn gốc hải sản thông qua nhật ký khai thác và khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt để mặt hàng thủy hải sản nước ta xuất khẩu an toàn, khi đó giá trị hải sản sẽ nâng lên, không chỉ có ngành chế biến xuất khẩu phát triển mà ngư dân cũng trực tiếp được hưởng lợi khi giá trị hải sản tăng lên. Nhận thức rõ lợi ích chính đáng này, hầu hết các ngư dân đều đồng tình và chấp hành tốt các thủ tục khi tàu vào/ra bến cảng.

    Giờ đây, “vi phạm vùng biển nước ngoài” là một cụm từ nặng nề, trách nhiệm lớn lao mà ngư dân Sóc Trăng vẫn phải luôn răn mình để tiếp tục vươn khơi bám biển. Bởi mỗi chuyến ra khơi của họ không những là cuộc mưu sinh, mà còn là hành trình khẳng định thương hiệu hải sản Việt Nam trên trường quốc tế. Anh Trần Quốc Trọng - Chủ tàu Quốc Việt, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: Ngày phát loa 2 lần, 5 giờ sáng và 4 giờ 30 chiều. Mỗi lần lên làm giấy tờ, anh em trong Ban quản lý cảng cũng tuyên truyền, hướng dẫn cách xác định tọa độ. Mình đi đánh bắt cũng yên tâm hơn, có giám sát, mình biết tàu đang ở đâu để không vi phạm vùng biển nước bạn”.


Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nguồn baosoctrang.org.vn

 

    Nghề khai thác biển ở Sóc Trăng không chỉ mang về nguồn lợi hải sản mỗi năm trên 60.000 tấn để cung cấp cho hoạt động chế biến và thương mại của tỉnh mà Sóc Trăng còn là 01 trong số 28 tỉnh có biển và hoạt động đánh bắt xa bờ được xếp vào nhóm 15 cảng cá loại I của cả nước; kinh tế biển cũng được xác định là một lĩnh vực thế mạnh của tỉnh trong xu thế phát triển. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định một cách bài bản, quyết liệt hơn; bởi việc tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua cho các mặt hàng thủy, hải sản của cả nước mà còn được xem là đợt lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển tại Sóc Trăng; đây cũng là hướng đi quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá tỉnh nhà một cách an toàn, bền vững. Đồng chí Lư Tấn Hòa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, Tổ trưởng Tổ IUU thông tin thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ông tác tuyên truyền tổ chức bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền trên báo, đài, các hệ thống thông tin công cộng, đặc biệt là chúng tôi tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các khu vực tập trung tàu thuyền nhiều như cảng cá, làm sao để người dân nắm rõ những thông tin, những quy định của nhà nước. Đối với những trường hợp người dân thực sự gặp khó khăn thì tạo điều kiện hướng dẫn họ để máy thông tin liên lạc được thông suốt; đối với những trường hợp người dân cố tình thì chúng tôi phải tiến hành xử lý theo quy định”.

    Thủy hải sản xuất khẩu là ngành hàng mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Năm 2019, con số này đạt trên 8,5 tỷ USD. Thế nhưng, hải sản đánh bắt xuất khẩu chiếm khá thấp, chỉ trên 5%, hay nói đúng hơn là nguồn thu không đáng kể. Dù vậy, EU vẫn được xác định là thị trường có tính định hướng, đối tác lớn của ngành Thủy sản nước ta. Chính vì vậy, giữ vững thị trường này là việc làm quan trọng, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã có hiệu lực vào tháng 8 năm 2020. Vì vậy, dồn toàn lực để gỡ “thẻ vàng “của Ủy ban Châu Âu (EC) là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà cùng với các tỉnh, thành ven biển; Sóc Trăng sẽ triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 779
  • Trong tuần: 70,112
  • Tất cả: 11,864,139